Cách phát hiện và đề phòng ngộ độc khí gas

Sau đây là thông tin về cách phát hiện và đề phòng ngộ độc khí gas, giúp gia đình bạn thêm yên tâm khi sử dụng các thiết bị dùng gas trong không gian bếp gia đình.

Thành phần của khí gas là gì?

Khí gas sử dụng trong mỗi gia đình đều được chiết xuất từ các mỏ dầu. Gas gia đình được hóa lỏng dưới áp suất cao và chứa trong các loại bình kim loại có dung tích 12kg gas lỏng. Thành phần của khí gas gồm 30% propan và 70% butan. Khí gas tự nhiên không có mùi và không độc hại trực tiếp khi hít phải. Thực ra, gas được xem là loại nhiên liệu khá an toàn cho môi trường, sản sinh ra ít khí nhà kính nhất khi so sánh với gỗ, than đá hay dầu mỏ!

khí gas có thể gây ngộ độc
khí gas có thể gây ngộ độc

Rủi ro đầu tiên của khí gas là khi tích tụ lâu ngày trong phòng kín thì nó dễ bắt lửa và cháy nổ, rất nguy hiểm và có thể để lại nhiều hậu quả khó lường. Chính vì thế mà gas thường được nhà sản xuất trộn cùng loại khí có mùi trứng thối đặc trưng để nhanh chóng phát hiện và ngăn chặn mọi rủi ro phát sinh khi có sự cố rò rỉ khí gas. Bản thân khí gas không gây ngộ độc, nhưng nếu người dùng bị giam trong phòng kín và có hiện tượng gas rò rỉ, chúng sẽ chiếm hết lượng khí oxy cần thiết trong phòng, gây ngạt thở, buồn nôn và chóng mặt. Ngoài ra, khi sử dụng các vật dụng nấu nướng không đảm bảo, lượng oxy cần thiết để đốt cháy gas không đủ cũng có thể dẫn đến khí phát sinh là CO thay vì CO2 như thông thường. Khí CO rất độc hại và cũng là nguyên nhân chính cho những vụ ngộ độc xuất phát từ khí độc Carbon Ocid.

Các tác hại của khí gas và cách đề phòng

Các triệu chứng khi hít phải khí gas:

Do khí độc CO là loại khí không màu, không mùi và không có tính kích thích nên nếu không có mùi đặc biệt, người dùng sẽ không thể biết được trong không khí có CO hay không. Khí CO sau khi hít vào phổi sẽ kết hợp với hồng cầu (Hb) trong máu, làm cho hồng cầu mất đi chức năng mang theo oxy, khiến các tổ chức trong cơ thể bị thiếu oxy. Khi cơ thể người hít phải khí CO trong không khí sẽ bị trúng độc nhẹ với các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, tứ chi mệt mỏi, buồn ngủ, buồn nôn, mất ý thức,… Khi hít phải 0,1% khí CO trong không khí sẽ trúng độc với biểu hiện mạch đập nhanh, môi tím đỏ, hôn mê, phản xạ của mắt đối với ánh sáng chậm. Khi hít phải trên 0,5% khí CO trong không khí: bị trúng độc nặng, hôn mê sâu, mất hết phản xạ, có các vết đỏ hoặc bọc nước trên da, có thể dẫn đến tràn dịch phổi, hô hấp kém, não úng thủy, loạn mạch,… thậm chí gây tử vong do các cơ quan nội tạng bị tê liệt.

triệu chứng khi ngộ độc khí gas
triệu chứng khi ngộ độc khí gas

Cách ứng phó:

  • Xác định xem bệnh nhân có trúng độc khí gas hay không: nếu hiện trường có mùi gas khác thường, môi nạn nhân màu tím đỏ thì tức là đã bị trúng độc khí CO.
  • Phản ứng nhanh khi sơ cứu: lập tức mở các cửa sổ hoặc đưa nạn nhân ra nơi thoáng khí, nới lỏng quần áo, để đầu nạn nhân ngả ra phía sau, duy trì thông đường hô hấp. Người bị trúng độc đều phải đưa đi bệnh viện, vì trong điều kiện tự nhiên, khí CO trong cơ thể cần tới một ngày để bài trừ hết, nếu không nhanh chóng trị liệu bằng oxy cao áp thì rất dễ để lại di chứng.
  • Trong thời gian chờ xe cấp cứu: theo dõi mạch đập, hô hấp, đồng tử,… của nạn nhân để kịp thời xử lý. Nếu thấy nạn nhân ngừng thở thì hô hấp nhân tạo, lấy hết các vật nôn làm tắc nghẽn đường thở. Nếu phát hiện thấy vết thương thì cần cầm máu, băng bó và cố định vết thương…

Lưu ý là trong khi cấp cứu người bị ngộ độc khí gas, cần tuyệt đối không gọi điện thoại, hút thuốc, đóng mở các công tắc, nguồn điện vì có thể gây ra tia lửa, dễ xảy ra cháy nổ.

Mong rằng với những thông tin cơ bản về cách phát hiện và đề phòng ngộ độc khí gas trên đây, bạn có thể ứng phó kịp thời nếu những người xung quanh không may xảy ra sự cố này.

M.A.B